Tái chế chất thải nói chung và tái chế nhựa nói riêng là xu hướng ngày càng rõ nét trong quá trình xây dựng các mô hình sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, là vấn đề mà các tập đoàn sản xuất lớn đều đang hướng đến.
Theo số liệu thống kê từ Bộ TN-MT, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng 0,28-0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Ở một khía cạnh khác, mặc dù ngành nhựa Việt Nam tăng trưởng 15%-20%/năm nhưng chúng ta vẫn phải nhập tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành này. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất cũng như xử lý rác thải nhựa, Chính phủ đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia công tác tái chế mạnh mẽ hơn nữa.
Qua đó, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là sự lựa chọn của các doanh nghiệp nữa mà còn là điều kiện bắt buộc nếu muốn tham gia, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Dù có nhiều tiềm năng, song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa, chúng ta cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý và truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích người tiêu dùng đón nhận sản phẩm bao bì nhựa tái chế.
Cơ quan quản lý nên ban hành tiêu chuẩn thiết kế bao bì và tem nhãn thuận lợi cho việc tái chế; ban hành tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho bao bì sử dụng nhựa tái chế; mã HS (HS Code) cần tách biệt dành cho nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh để phòng vệ thương mại.
Theo sggp.